Phong cách Menswear là gì?
Menswear là tên gọi để chỉ trang phục cũng như phong cách ăn mặc như nam giới. Tất cả những gì mà phái mạnh khoác lên mình giờ đây bỗng có một sức cuốn hút đặc biệt với nữ giới khi các cô nàng có thể “diện” quần tây, áo sơ mi, veston như nam giới với sự quyến rũ riêng.
Phong cách menswear là một bản tuyên ngôn thời trang “bình đẳng giới” dành cho phái yếu. Với những item đậm chất “nam nhi”, phong cách này có khả năng tạo ấn tượng cực mạnh với người đối diện. Khi khoác lên mình những bộ trang phục mang phong cách mạnh mẽ, nam tính Menswear, phụ nữ bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý thay vì những người đàn ông bảnh bao trong set đồ này.
Menswear xuất hiện từ khi nào?
Thế chiến thứ nhất là một trong những chất xúc tác cho sự biến chuyển chính trong giải phóng phụ nữ, bao gồm cả thời trang. Phụ nữ bắt đầu chọn những trang phục gọn gàng và năng động hơn. Trang phục nam giới là nguồn cảm hứng bất tận cho phong cách menswear của các quý cô có cá tính mạnh mẽ. Một số phụ nữ đổi qua mặc suit, quần dài thay vì váy xòe, chọn họa tiết kẻ sọc, ca-rô thay vì hoa lá… Phụ kiện cũng được tiết chế bớt. Dĩ nhiên sự thay đổi quyết liệt này không chỉ xảy ra trong một đêm và được sự tán đồng của tất cả mọi người.
Một trong những biểu tượng có sức ảnh hưởng lớn nhất thập niên 1920 (và cả đến hôm nay) là Coco Chanel. Chanel đã táo bạo bỏ đi những kiểu cách quá nữ tính trong trang phục nữ và đi theo trường phái lưỡng tính (androgynous). Bà cũng là một trong những nhà thiết kế đầu tiên giới thiệu trang phục quần tây cho phụ nữ. Nhiều thiết kế của bà được lấy cảm hứng từ trang phục nam như bộ suit thanh lịch bằng chất liệu tweed huyền thoại, phổ biến đến tận ngày nay…
Menswear: Khi nữ giới thay đổi dòng chảy thời trang nam
Đôi khi những bộ suit với cầu vai cứng cáp cùng ống quần đứng phom thẳng tắp không chỉ thể hiện sức hút nam tính mà còn quyến rũ khó cưỡng dưới đường cong của người phụ nữ.
Nhắc đến Menswear, chắc chắn những nhà mốt Coco Chanel, Yves Saint Laurent hay những huyền thoại Marlene Dietrich và Katharine Hepburn là những cái tên nổi bật không thể không nhắc đến. Tuy nhiên, khi đào sâu vào sự ảnh hưởng hay cuộc “xâm chiếm” của nữ giới trong thời trang nam thì không dừng lại ở phong cách Menswear mà đã từ lâu phụ nữ đã tạo nên nhiều cuộc cách mạng biến đổi đến dòng thời trang nam giới.
Nói về nguồn gốc hay lịch sử thời trang thì chúng được ví như sự ra đời giữa trứng và gà. Mọi người luôn hứng thú và tò mò với ngày tháng xuất hiện chính xác của một xu hướng hay trào lưu thời trang nhưng tiếc rằng thời trang không hoạt động theo cách đó. Và tất nhiên việc phụ nữ bắt đầu thử nghiệm và mặc trang phục nam giới cũng không thể xác định chính xác. Nhưng trào lưu nữ mặc đồ nam có thể bắt đầu xảy ra khi đàn ông và phụ nữ mặc quần áo theo giới tính. Nói cách khác, phụ nữ đã mặc trang phục nam giới kể từ khi xã hội tồn tại khái niệm về giới tính.
Joan of Arc ắt hẳn là ví dụ nổi tiếng nhất từ thời cổ đại, khi phụ nữ mặc trang phục nam giới để ra chiến trường chiến đấu. Chưa biết được, có bất kỳ ẩn ý mang tính chính trị ở đây không nhưng chắc chắn họ mặc vậy vì thấy quần áo nam thuận tiện và thiết thực hơn khi chiến đấu thay vì những tùng váy cầu kỳ hay corset cứng nhắc.
Những năm 1500 & 1600: giày cao gót ban đầu không dành cho phụ nữ
Ở phương Tây, những đôi giày cao gót được phát minh ra dành cho nam giới, để phục vụ cho mục đích cưỡi ngựa. Vào thế kỷ 16, phụ nữ bắt đầu xu hướng này và bắt đầu đi giày cao gót. Catherine de ‘Medici – “Võ Tắc Thiên phương Tây” được cho là người phụ nữ mang giày cao gót cùng váy áo đầu tiên ở những năm 1500. Quần áo chuyên dùng cưỡi ngựa của phụ nữ cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quần áo nam kể từ thế kỷ 17.
Những năm 1700: Trang phục cưỡi ngựa lấy cảm hứng từ quân phục
Trong suốt thế kỷ 18, phụ nữ đã có sở thích cưỡi ngựa và trang phục nữ giới được lấy cảm hứng từ quân phục cũng trở nên phổ biến. Chúng được lấy từ (hoặc sao chép trực tiếp từ) quân phục của chồng hoặc họ hàng nam giới, điều này một phần thể hiện sự ủng hộ yêu nước của họ. Một số người thì cho rằng đã có thời gian kiểu trang phục này được mặc để thể hiện sức mạnh. Vào năm 1762, ngay sau khi lật đổ chồng và nắm giữ ngai vàng Nga, Catherine Đại đế đã cho quân đội của mình mặc đồng phục sĩ quan để thể hiện một hình ảnh của quyền lực và sức mạnh”. Vào đầu những năm 1770, Vương hậu (Hoàng hậu Pháp) đã tạo nên một hình ảnh chính trị gây nhức nhói khi mặc quần breeches để cưỡi ngựa.
Những năm 1800: Quần Thổ Nhĩ Kỳ và trào lưu Bloomer
Vào giữa thế kỷ 19, những người cải cách thời trang đã sử dụng quần tây của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish trousers), được lấy cảm hứng từ trang phục của phương Đông. Về cơ bản chúng chỉ là những chiếc quần rộng nhưng đàn ông không hài lòng về điều này. Đối với những người cải cách thời trang, mặc quần dài là một tuyên bố chính trị và xã hội, đặc biệt là về quyền của phụ nữ. Nói đến đây, không thể không nhắc sự kiện Amelia Jenks Bloomer đã mặc quần tây của Thổ Nhĩ Kỳ để vận động cho quyền của phụ nữ ở Mỹ và từ đây bà đã tạo nên một trào lưu cho phái đẹp được mang chính tên của bà – Bloomer.
Những năm 1900: Coco Chanel tạo nên cách mạng và những huyền thoại nữ dưới bộ cánh nam giới
Trước khi thuật ngữ Menswear xuất hiện, Dandy Style (trong tiếng Anh) hay Garçonne (trong tiếng Pháp) được xem là tiền thân của Menswear. Phong cách dandy là gu thời trang của những người đàn ông thượng lưu nhưng lại khao khát muốn được vào tầng lớp quý tộc. Vì thế trang phục của họ luôn toát lên vẻ sành điệu của tầng lớp quý tộc. Áo vest, mũ thành cao, quần tây ống đứng và những phụ kiện như cổ áo xếp nếp, tất in họa tiết, giày Oxford,…là những món đồ “cộp mác” Dandy style. Phong cách này cũng đòi hỏi chất liệu vải sang trọng với cùng bảng màu cổ điển như đen, nâu, xám, trắng…
Garçonne là một từ tiếng Pháp được văn sĩ người Pháp J.K. Huysmans khai sinh vào năm 1880, dùng để chỉ những phụ nữ thích mặc trang phục và để kiểu tóc như nam giới. Những năm 1920, nó được nhà văn Victor Margueritte dùng để gọi các quý cô nổi loạn, dám đứng lên, vùng vẫy ra khỏi lớp áo bó buộc của chiếc áo corset bó buộc hay áo khoác nhỏ để chuyển sang để thử nghiệm những trang phục rộng rãi, thoải mái mang phong cách nam tính.
Phong cách Garçonne đặc trưng với những chiếc áo tạo hiệu ứng ngực phẳng và dài phủ hông để nhằm che đi đường cong cơ thể. Phụ nữ theo phong cách này thường nổi bật với mái tóc ngắn và luôn muốn giải phóng mình ra khỏi hình ảnh nữ tính, yếu đuối.
Thế chiến thứ nhất là một sự kiện mang tính cách mạng, tạo ra nhiều biến chuyển trong công cuộc giải phóng phụ nữ, gồm cả thời trang. Thời đại này, phụ nữ phải đứng lên giành lấy quyền tự quyết trong cuộc sống, phải giải phóng được tư tưởng lẫn quần áo ăn mặc. Họ bắt đầu thích diện những bộ cánh gọn gàng, năng động để có thể dễ dàng hoạt động trong cả ngày dài, chọn suit, quần dài thay vì tùng váy xòe, bồng bềnh, chọn trang phục rộng rãi, thoải mái thay vì cố nhét người vào gọng áo corset chật chội, chọn họa tiết kẻ sọc, đơn giản thay vì hoa lá lòe loẹt, phụ kiện cũng dần được tinh chế,…
Đứng đầu cho trào lưu này cũng như người để lại sức ảnh hưởng từ trước đến nay chắc chắn là huyền thoại Coco Chanel – “the first female dandy”. Sau này, Yves Saint Laurent cũng thể hiện sự ủng hộ của mình qua những thiết kế nữ đầy mạnh mẽ.
Coco Chanel đã táo bạo từ bỏ vẻ nữ tính trong trang phục nữ và lăng xê trường phái lưỡng tính (Androgynous). Bà khởi động trào lưu menswear bằng mốt quần âu và áo jersey – những items vốn dĩ đặc trưng cho cánh mày râu. Những mẫu áo khoác len vải tweed lừng danh, dáng hộp, tay áo rộng, khuy cài nam tính cũng được bà lăng xê nhiệt tình.
Bắt đầu từ đây menswear cũng được tái định nghĩa lại, mang một phong thái đầy tự tin của người phụ nữ. Đến đầu thập niên 1960, các quý cô rất ưa chuộng những chiếc quần âu được làm với chất liệu khêu gợi cùng tông màu pastel vừa ngọt ngạo vừa gợi cảm. Nhưng phải đợi đến năm 1966, khi nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent tung ra bộ sưu tập “Le Smoking”, thì trào lưu menswear mới thực sự bùng nổ. Đặc biệt BST còn mang đến với thiết kế mang tính cách mạng – áo tuxedo đầu tiên dành cho phái nữ. Cho đến ngày nay, đây vẫn là BST vĩ đại, mang đến nhiều cảm hứng và gây ấn tượng sâu sắc. Mỗi mùa Thu Đông bắt đầu, cũng là lúc các đường băng thời trang tràn ngập những thiết kế suit mang hơi hướng menswear mạnh mẽ, được sáng tạo mang những màu sắc riêng biệt.
Xuất hiện vào những năm 70 disco, những set đồ menswear trở nên nổi loạn hơn, đặc trưng với bản phối cùng áo sơ mi dài, áo gile, áo blazer kiểu nam, cà vạt họa tiết và những chiếc quần kaki xếp ly. Phụ nữ còn phá phách tủ quần áo của chồng hay bạn trai để “mượn” quần áo và tạo ra những diện mạo menswear theo cách riêng của mình. Một thập kỷ sau, bộ cánh menswear của phái nữ được nâng cấp với chất liệu cao cấp, thiết kế cũng trở nên thanh thoát hơn, cầu vai cứng được nữ tính hóa nhưng không kém phần cá tính và mạnh mẽ đặc trưng.
Dần trở về sau, bắt đầu sau thập niên 2000, các bộ suit của nữ cũng được cải tiến đi rất nhiều từ phom dáng, chất liệu đến màu sắc. Tất cả đều mang một diện mạo mới sáng tạo nhưng vô cùng dễ mặc. Có lẽ không thời thượng, quyến rũ bằng những thiết kế cut-out, chất liệu xuyên thấu, hay màu sắc như thập niên 70, phong cách Bohemian, Menswear từ trước đến nay vẫn giữ được một phong độ nhất định trên đường đua thời trang với vẻ đẹp đẳng cấp, quyền lực và trầm tĩnh. Thời đại hiện đại đến mức nào, phong cách này vẫn được lăng xê từ sàn diễn, thảm đỏ đến cuộc sống hàng ngày.